29 thg 4, 2008

Bảo Vệ Người Lao Động: Chúng Ta Làm Được Gì?

TS Nguyễn Đình Thắng
Chủ nhiệm báo Mạch Sống

Trong kế hoạch xoá đói giảm nghèo, chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh xuất cảng lao động để vừa tạo công ăn việc làm vừa thu ngoại tệ. Đây không phải là chính sách dở nếu như công nhân được bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm.


Nhưng chữ "nếu" này chính là vấn đề: chính phủ Việt Nam đã không có biện pháp ngăn ngừa nạn buôn bán lao động và cũng chẳng có cơ chế để can thiệp và bênh vực cho người lao động khi bị bóc lột hay buôn bán. Hai trường hợp mới xảy ra ở Jordan và Mã Lai cho thấy sự thiếu sót trầm trọng của chính phủ Việt Nam.

Nhưng hai trường hợp này cũng nói lên một điều tích cực: cộng đồng người Việt ở hải ngoại đủ sức để can thiệp và bảo vệ cho đồng bào của mình bất kỳ ở đâu và trong cảnh ngộ nào, nếu chúng ta hành động đúng cách.

Chữ "nếu" này là một thách đố đối với tất cả chúng ta.

Việc can thiệp rất nhanh chóng và hiệu quả cho 176 công nhân ở Jordan và 2,600 công nhân ở Malaysia, trong đó một nửa là công nhân Việt, là kết quả của kế hoạch hành động có bài bản, gồm bốn bộ phận.

Bộ phận thứ nhất là khai thác các luật về phòng chống buôn người của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, và các quốc gia sở tại để bảo vệ quyền lợi công nhân và truy tố thủ phạm buôn người.

Bộ phận thứ hai là thiết lập hệ thống thông tin và tiếp nhận lời cầu cứu của công nhân. Một cách lý tưởng, ở mỗi quốc gia có đông công nhân Việt chúng ta đều có văn phòng và đường dây "điện thoại cầu cứu" để mọi công nhân liên lạc khi gặp nạn. Chúng ta xem như thành công nếu mọi công nhân trong nước biết đường dây điện thoại này trước khi họ lên đường đi lao động ở ngoại quốc.

Bộ phận thứ ba là giúp tổ chức công nhân thành các nhóm tương trợ và huấn luyện họ để họ biết cách tự bảo vệ quyền lợi, đỡ đần lẫn nhau, và biết chỗ và cách cầu cứu với các tổ chức địa phương.

Bộ phận thứ tư là, qua áp lực chính trị, ngoại giao, kinh tế, và pháp lý, ảnh hưởng chính sách của Việt Nam cũng như của các quốc gia tiếp nhận người lao động.

Liên Minh CAMSA, viết tắt của Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu), được hình thành bởi bốn tổ chức, trong đó có UBCNVB, để từng bước thực hiện kế hoạch này.

Cuộc giải cứu thành công cho 176 nữ công nhân Việt ở Jordan và việc can thiệp thành công cho 1,300 công nhân Việt ở Malaysia chứng tỏ hoạt động hữu hiệu của Liên Minh này.

Ngày 1 tháng 4, Liên Minh này đã cùng tổ chức Tenaganita ở Mã Lai thiết lập văn phòng thường trực để riêng can thiệp cho các công nhân Việt. Văn phòng này đã mở đường dây "điện thoại cầu cứu" toàn quốc (national help line) để công nhân Việt ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mã Lai cũng có thể gọi đến khi gặp nạn. Liên Minh cũng đã thiết lập chương trình thực tập sinh để bổ sung nhân sự cho văn phòng này.

Tình trạng bóc lột và buôn bán người lao động Việt ngày càng trở nên trầm trọng vì chính phủ Việt Nam đang gia công đẩy mạnh xuất cảng lao động. Chằng hạn hiện nay đã có 10 ngàn công nhân Việt lao động ở Qatar; kế hoạch của Việt Nam là tăng con số ấy lên 100 ngàn trong ba năm tới đây. Qatar đã bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phân loại vào thành phần các quốc gia có nạn buôn người trầm trọng nhất trên thế giới.

Trước viễn cảnh đáng lo ấy, người Việt ở hải ngoại có thể và cần hành động gấp để bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của hàng trăm ngàn đồng bào phải tha hương cầu thực. Tôi kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại cho Liên Minh CAMSA.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

->Xem tiếp...

Các bài liên quan




0 Comments:

 

cuoicuoi2008