11 thg 9, 2009

CÔNG NHÂN NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC MIỄN THUẾ LEVY

LTS: Việc chính phủ Malaysia miễn thuế Levy cho công nhân nước ngoài gây xôn xao trong giới công nhân Việt Nam đang làm việc tại Malaysia. Một số công ty lớn đã thi hành nghiêm túc quyết định mới này, nhiều công ty vừa và nhỏ vẫn thu thuế Levy của công nhân như bình thường. Hi vọng bài viết này sẽ giúp công nhân giải đáp nhứ̃ng thắc mắc và có thêm thông tin cho mình trong quá trình làm việc ở công ty.

Công đoàn Malaysia đã kêu gọi chính phủ tăng cường thúc ép bộ phận nhân lực phải đảm bảo việc thi hành chính sách mới về thuế Levy cho công nhân nước ngoài được thành công. Chủ tịch công đoàn ông Syed Shahir Syed Mohamud cho biết, hiện tại bộ phận này chỉ có 500 cán bộ, với sự hạn chế về mặt nhân lực này gây ra sự khó khăn trong việc quản lý hàng ngàn doanh nghiệp trên khắp đất nước.

Chủ tịch công đoàn Malaysia cũng cho giới báo chí biết “việc thăm tất cả giới chủ là điều không thể, nhưng ít nhất phải có hệ thống kiểm tra ngẫu nhiên để chính sách được tuân thủ đúng đắn”.

Chính sách mới đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2009, tất cả các chủ sử dụng thuộc mọi ngành phải trả thuế Levy cho công nhân, thu hồi lại chính sách cho phép họ trừ thuế Levy hàng tháng vào tiền lương của người lao động. Điều này có nghĩa là từ tháng 4 năm 2009 trở đi thay vì công nhân bị trừ thuế Levy vào tiền lương mỗi tháng,các chủ sử dụng lao động phải trả tiền, chủ lao động cũng sẽ phải chấp nhận rằng chi phí đoạt động của doanh nghiệp của họ sẽ cao hơn.

Sư việc này được Liên đoàn các chủ sử dụng lao động của Malaysia cho biết chính sách mới này không công bằng vì nó được áp dụng đột ngột mà không có sự thông báo trước từ phía chính phủ.

Giám đốc điều hành của Liên đoàn chủ sử dụng lao động cho biết chính sách này có thể dành cho những hoạt động tuyển dụng mới, nhưng áp dụng cho cả những người lao động hiện thời thì không đúng đắn vì nó sẽ ảnh hưởng đến ngân sách và kế hoạch của công ty, đặc biệt là những công ty có hàng ngàn công nhân lao động nước ngoài.

Giám đốc bộ phận nhân lực Datuk Ismail Abdul Rahim cho biết cần đảm bảo thực hiện chính sách mới này một cách nghiêm túc đối với cả những công nhân hiện hành. Ông cho biết “Các nhân viên đã được thông báo phải thực hiện triệt để việc kiểm tra và sử phạt nghiêm khắc đối với các chủ sử dụng lao động không chấp hành chính sách mới này”. Ông cho biết thêm" ai vi phạm hoặc chế giễu nghị định này sẽ bị phạt lên tới 10.000 Ring-gít".

->Xem tiếp...

4 thg 9, 2009

Cái chết không bình thường của một cô dâu VN tại Malaysia


Tại Việt Nam phụ nữ Việt lấy chồng người nước ngoài là chuyện hợp pháp. Nhiều cô đã theo chồng về Đài Loan , Nam Hàn, Malaysia bằng con đường kết hôn chính thức.

Môi giới hôn nhân ngoài luồng

Nhưng mới đây chuyện cô Nguyễn Thị Huyền Trân, quê ở Vĩnh Long, đi Malaysia theo diện du lịch , đột nhiên bệnh nặng rồi qua đời chỉ một ngày sau khi về nhà chồng, khiến dấy lên nghi ngờ về những vụ môi giới hôn nhân ngoài luồng mà nạn nhân khi gặp cảnh không may thì chẳng biết kêu ai. Một nhân chứng, ông Phạm Tân, cậu ruột của nạn nhân, từ Hoa Kỳ về thăm gia đình trong thời gian xảy ra sự việc, thuật lại với Thanh Trúc:

Ô. Phạm Tân: Tôi từ San Diego về Việt Nam thời gian một tháng, tới ngày 23 tháng Tám thì tôi phát hiện trong gia đình có đưa cháu Huyền Trân đã đi qua bên Malaysia lập gia đình bằng cách xin đi du lịch thời hạn hình như khoảng bốn mươi lăm ngày.

- Vì sao ông biết cô Huyền Trân đi Malaysia lấy chồng theo con đường du lịch?

Ô. Phạm Tân: Qua tìm hiểu thì ở lối xóm có người quen đã có con cháu lập gia đình ở Malaysia khoảng hai năm . Trong thời gian hai năm đó thì người cháu đó quen biết một người Việt Nam ở Malaysia.

Thì sau cũng có trao đổi để tìm cách giúp đứa cháu tôi bên nay hoặc là lập gia đình hoặc có thể đi lao động để giúp cho gia đình cha mẹ đều nghèo quá đi. Sau khi được giới thiệu với nhau thì từ bên Malaysia có một người đã gọi về Sài Gòn đồng thời gọi xuống gia đình mẹ của Huyển Trân . Sau khi trao đổi trên phôn thì mẹ Huyền Trân dẫn Huyền Trân lên tới Sài Gòn để nói chuyện với bên người đại diện.

Tôi được biết là nói chuyện không phải trong cơ quan dịch vụ mà ở một quán cà phê ở bến xe quận Tám. Trao đổi xong xuôi thì bên người đại diện lo toàn bộ về vé máy bay và hướng dẫn làm visa.

Sau khi hoàn tất thủ tục visa xuất nhập cảnh và khám sức khỏe, thử máu xong xuôi thì được biết ngày lên đường là 22 tháng Bảy, trong nhóm có một hai người từ Malaysia về và cũng có một vài cô khác đi cùng.


Chuyện gì thực sự đã xảy ra ?

- Trên giấy tờ là xin đi du lịch?

Ô. Phạm Tân: Đúng. Sau khi qua Malaysia suốt thời gian trước khi ngã bịnh thì cô Huyền Trân gọi điện thoại qua thăm hàng ngày, sau đó báo là tìm được chồng rồi. Thì bên đó cũng là lo thủ tục khám sức khỏe và giấy tờ kết hôn.

Cô cũng báo cho mẹ là khám sức khỏe đầy đủ không có bịnh hoạn gì hết và sắp về nhà chồng.

Về nhà chồng buổi sáng thì chiều hôm sau cô ta phát bịnh. Người mối mai bên Malaysia gọi về cho biết là “con của chị đã bị bịnh rồi tôi đưa về nhà đây, chị cố gắng tìm mười triệu tiền Việt Nam ra phi trường nhận con chị về, con chị bịnh tui mang về phi trường tui giao lại cho chị. Thì bên Việt Nam nghèo qúa không thể tìm được năm trăm ngàn mà làm sao có tới mười triệu .

Ngay lúc đó là tui đã có mặt tại Việt Nam rồi , tôi nói trường hợp này hơi rắc rồi để tôi tìm hiểu. Sau khi tìm hiểu thì tôi biết bên đó cô ta bịnh, tay chân cô ta quơ quậy thì người at trói cô lại và nhốt trong một cái phòng. Tự tôi suy nghĩ là nếu mà bịnh mà tay chân quơ như vậy chắc chắn không bao giờ lên được máy bay.

Sau khi bên nay nói không có tiền thì hai ngày hôm sau bên đó báo cho biết không thể lên máy bay được thì “bây giờ chị làm passport qua nhận con về”. Bên này càng bối rối thêm vì passport không thể nào làm kịp.

Bên môi giới ở Saigon nói lên ngay chổ đó chỗ đó thì làm visa tốn hai triệu trong vòng hai ngày. Trong khi đó tôi ngồi bốc phôn trực tiếp nói chuyện với môi giới ở Malaysia thì hiểu ra trong mấy ngày bịnh thì bên Malaysia báo cho mẹ Huyền Trân biết là có nhờ một y tá bác sĩ gì gần đó đến chích . Chích xong cô ta bất tỉnh, được đưa vô bệnh viện.

Bác sĩ báo cho hay chính xác là não bị chảy máu, hệ thống ruột gan đau hết đồng thời ói ra máu.

Trong khi bên này tìm cách qua nhanh thì được báo về là Huyền Trân đã qua đời ngày 25 tháng Tám 2009. Khi tôi gọi phôn thi tôi trực tiếp nói chuyện với người phụ nữ tên là cô Phượng. Theo tôi được biết cô Phượng là người giới thiệu để gả chồng trong thời gian Huyền Trân còn mạnh khỏe .

Khi Huyền Trân bịnh thì cô ta chỉ tìm bác sĩ y tá nhưng mà tôi không biết chuyện gì xảy ra sau đó.

Văn phòng Hỗ trợ công nhân Việt Nam và CAMSA đã làm gì?

- Ngoài việc ngồi ở Vĩnh Long trực tiếp điện thoại cho những người đang săn sóc cô Huyền Trân thì ông có còn nói chuyện với một tổ chức nào khác hay gọi cho toà đại sứ Việt Nam ở Malaysia hay cơ quan thẩm quyền nào khác để nhờ giúp?

Ô. Phạm Tân: Ngày đầu tiên phát hiện ra thì tôi đã bốc phôn nhờ một đứa cháu bên Mỹ lên mạng lấy giùm tôi số phone và email của anh Nguyễn Đình Thắng bên SOS, còn bên này tôi trực tiếp chuẩn bị chuyến đi Malaysia.

- Khi ông liên lạc thì ông Nguyễn Đình Thắng và tổ chức CAMSA đã làm cái gì?

Ô. Phạm Tân: Sau khi gặp anh Nguyễn Đình Thắng thì khoảng mười phút sau bên Malaysia gọi phôn về thì tui trực tiếp gặp cô Tracy liên lạc tôi xin số chuyến bay và ngày giờ để bên đó đón. Tôi mua vé máy bay và bên đó mua hai vé máy bay để cho gia đình nạn nhân đi. Rất tiếc tôi không thể đi chung vì bên cô Phượng và người em trai tên Tài không chấp nhận cho người lạ đi theo.

Còn theo ông nhận xét thì ông Nguyễn Đình Thắng và tổ chức CAMSA đã giúp được cái gì?

Ô. Phạm Tân: Chiều 27 tây tôi bay qua gặp Tracy tức là nhóm của anh Nguyễn Đình Thắng, rước tôi về Kuala Lumpur. Nguyên nhân toàn bộ thì bên đó đã nắm được. Sáng hôm sau hai thân nhân qua thì tôi được ra đón dưới sự hướng dẫn của nhóm anh Nguyễn Đình Thắng.

Chính tôi qua hiện trường bên đó tôi nhìn trong sự việc xảy ra có nhiều cái bí ẩn. Cô bé 25 tuổi khám sức khỏe hai lần thì tại sao mà chết trong vòng một tuần, bác sĩ ghi là bị hư màng não và hư toàn bộ trong cơ thể hết. Tại sao bên cô Phượng không muốn cho tôi đi theo.

Khi mẹ và dì của Huyền Trân đến thì cô Phượng không chở tới nhà xác mà lại chở tới một cái văn phòng khác bắt buộc mẹ và dì ký giấy trước khi nhìn mặt con, nghĩa là tấm giấy chấp nhận thiêu để mang hài cốt về.

Sáng hôm đó tôi đi riêng đến bệnh viện, tìm ra tên cháu tôi, tôi vô nhà xác chụp hình quay phim . Tôi ra khỏi nhà xác đứng trước cửa liên lạc mẹ và dì của nạn nhân thì họ nói cho tôi biết là đang ở bên một cái nhà quàn của một cái chùa nào đó. Tôi nói phải qua nhìn xác con rồi mới làm giấy tờ thì bên kia không đồng ý, biểu phải ký giấy tờ trước khi nhìn. Từ đó tôi lại nghi ngờ.
Đến ngày 29 tôi quyết định đến ngay đồn cảnh sát nơi Huyền Trân chết tôi xin report. Sau khi report tôi bay về Kuala Lumpur, tôi biết bên kia tìm cách thiêu huỷ cái xác để xoá bỏ chứng cứ.


Một hệ thống buôn bán phụ nữ tinh vi

- Thưa lúc đầu ông có nói khi cháu ông đi Malaysia thì có mấy cô gái khác cùng đi nữa. Vậy khi sang đó ông có gặp những cô đã đi cùng với Huyền Trân không?

Ô. Phạm Tân: Từ Việt Nam đến Malaysia sáng hôm sau tôi được biết bốn cô gái trong gia đình của chị Phượng đã được cảnh sát giải cứu. Lý do là đã bị động rồi .

- Nói như vậy thì có phải cô Phượng này là người dính dáng tới đường dây đưa một số các cô gái quê đi Malaysia để lấy chồng dưới hình thức đi du lịch?

Ô. Phạm Tân: Theo tôi hiểu thì người phía bên Việt Nam biết đó là đi du lịch, với người quen cũng là người Việt Nam, để tìm chồng. Khi qua bên đó thì cô Phượng cho bốn năm người ở một chỗ để tìm môi giới tìm bán người ta từng giai đoạn . Cô nào có nhan sắc có người mua thì bán trước.
Cô nào không có nhan sắc không có cơ hội mà hết thời hạn thì sẽ trở lại Việt Nam. Sự thật nó đúng là một đường dây mua bán phụ nữ xuyên quốc gia. Từ bên Mỹ về biết được tin này tôi nói đây là tin động trời ngoài khả năng hiểu biết của tôi, quá khủng khiếp ,. Bên Việt Nam người ta chỉ biết con người ta đi có chồng rồi ráng lao động dành dụm chút ít về giúp cha mẹ.

Với tầm nhìn của tôi thì cô Phượng đó không hiểu biết không nghĩ đây là chuyện phạm pháp . Cô nói thôi chuyện lỡ rồi người ta chết rồi thôi để tui lo thiêu lấy tro cốt mang về cho chị.

Sự thất đây là cái việc làm ngoài pháp luật , nhóm với nhau mà tổ chức để kiếm tiền với nhau. Tôi sống ở Mỹ hai mưới bảy năm, tôi xin xác nhận đây là sự thật vì tôi đã qua Malaysia ba ngày ba đêm , tìm mọi cách chụp hình chụp ảnh. Nếu không có tôi chắc chắn hai phụ nữ trong gia đình qua đó không biệt tiếng Anh không có tiền thì sẽ bị cô Phượng lèo lái cuối cùng chỉ biết mang tro cốt của con về mà thôi.

- Hiện ông cũng như bà Nguyễn Thị Thanh mẹ cô Huyền Trân và người dì cũng đã trở về Việt Nam. Vậy xác cô Huyền Trân hiện giờ như thế nào?

Ô. Phạm Tân:Trước khi trở về thì chúng tôi gặp nhóm của anh Nguyễn Đình Thắng, gia đình đã uỷ quyền toàn bộ cho bên nhóm Nguyễn Đình Thắng để lo vấn đề hành chánh giấy tờ , khám tử thi đồng thời lo thiêu đốt rồi gởi về Việt nam cho gia đình.

Xin cảm ơn ông Phạm Tân về câu chuyện mà ông là nhân chứng.

->Xem tiếp...

23 thg 8, 2009

Theo tiếp tiến trình vụ việc Sony

Ngày 21/08/2009 luật sư Tharuma cùng với nhân viên của VP Hỗ trợ công nhân Việt Nam - đại diện cho các công nhân nữ làm việc tại Sony đã có mặt tại cục Qủan lý lao động Malaysia đòi lạiquyền lợi cho nhóm công nhân bị thất nghiệp hàng năm trời nay.

Các chị từ Việt nam qua làm việc với Sony đã ký HĐ với công ty outsourcing Teguh dưới sự chứng kiến của công ty môi giới Việt nam là công ty Cổ phần và Cung Ứng Lao Động Hải Phòng, nhưng trên thực tế giấy phếp làmviệc của họ lại do công ty JR đứng tên là môi giới.

Trước vấn đề bất cập này, quan chức của Cục quản lý lao động Malaysia đã chất vấn Teguh yêu cầu làm rõ. Đại diện Teguh phản đối những công nhân Sony không liên quan đến công ty của họ, đồng thời họ cũng trình ra một lá thư của công ty môi giới ở Việt Nam xác nhận: “ việc có chữ ký của Teguh trong HĐ là sự nhầm lẫn ngoài ý muốn”, theo đó những công nhân này chính thức dưới quyền giám sát của công ty JR.

Sự việc không rõ ràng và thiếu logic này không được Cục quản lý chấp nhận và cần được kiểm định lại .Vụ việc của các chị Sony bị hoãn lại tháng sau cho đến khi mọi chi tiết trong HĐ của công nhân được làm sáng tỏ.

->Xem tiếp...

14 thg 8, 2009

Vụ Sony: Diễn Tiến Tích Cực Nhưng Chưa Đủ

Trước áp lực của dư luận quốc tế, cuối tuần qua công ty cung ứng nhân lực JR Holdings đã hoàn trả 1.900 Ringgits cho 15 nữ công nhân Việt và đã đưa họ trở lại làm việc tại hãng Sony. Những phụ nữ này được JR Holdings tuyển và đưa sang lao động tại hai hãng Sony ở Mã Lai vào cuối năm 2007.

Tháng 11 năm ngoái Sony giao trả họ lại cho JR Holdings mặc dù hợp đồng ký kết giữa hai bên bảo đảm 27 tháng làm việc cho Sony. JR Holdings giam các chị phụ nữ này tại khu ký túc xá gần thủ đô Kuala Lumpur và chuyển họ đi lao động trong những công việc vặt ở nhiều nơi mà không trả lương. Bị đói, các nữ công nhân này phải đi hái trộm rau và xin tiền của người trong khu vực để sinh sống. Muốn về nước thì họ phải đóng cho JR Holdings một khoản tiền lớn mà họ không thể nào có được. Các công nhân này nhiều lần liên lạc với công ty môi giới ở Việt Nam và cầu cứu với toà đại sứ Việt Nam ở Kuala Lumpur nhưng vô hiệu.

Sau khi Liên Minh CAMSA chính thức lên tiếng với công ty Sony về tình trạng này, công ty JR Holdings cùng với đại diện của toà đại sứ và của một công ty môi giới Việt Nam đã tiếp xúc và điều đình với công nhân.

“Đây là một diễn tiến lạc quan. Tuy nhiên số tiền 1.900 Ringgits là quá thấp.” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên của CAMSA, nhận định.
Theo ước tính của Ông, JR Holdings nợ mỗi công nhân tổng cộng trên 5.000 Ringgits chứ không phải 1.900; đấy là số tiền lương trả thiếu cho công nhân trong suốt 9 tháng qua. Ngoài ra, Liên Minh CAMSA còn đang đòi JR Holdings và Sony phải bồi thường thiệt hại về vật thể và tinh thần cho mỗi công nhân cũng như phải trả lương cho công nhân cho đến hết thời hạn hợp đồng dù họ ở lại làm việc với Sony hay về nước.
“Chúng tôi tiếp tục áp lực Sony phải tôn trọng hợp đồng và tỏ thái độ trách nhiệm đối với những công nhân đã bị bạc đãi và bị sỉ nhục trong suốg 9 tháng qua”, Ts. Thắng nhấn mạnh.

Ngày 23 tháng 7 vừa qua, Ông đã nêu trường hợp Sony khi điều trần trước Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ. Ông chia sẻ một số hình ảnh về các công nhân và JR Holdings mà Ông thu thập qua chuyến công tác tại Mã Lai đầu tháng 7 vừa qua. Trong chuyến công tác này, Ts. Thắng đã phỏng vấn một số chị em công nhân.

Sau khi nghe phần trình bày của Ts. Thắng, DB Ed Royce (Cộng Hoà, CA) xác định, “đây không phải là ‘buôn lao động’ mà là tình trạng nô lệ.”
DB Royce yêu cầu Ts. Thắng cung cấp hình ảnh và tài liệu để đưa vấn đề nô lệ lao động Việt Nam ra toàn thể Hạ Viện Hoa Kỳ.

Giữa tháng 7, Liên Minh CAMSA, mà BPSOS là một thành viên sáng lập, khởi xướng chiến dịch vận động công luận nhằm áp lực Sony thực thi trách nhiệm của họ đối với 15 nữ công nhân Việt, thay vì nấp sau lưng JR Holdings.

Liên Minh CAMSA kêu gọi các thành viên và tổ chức trong cộng đồng Việt tham gia cuộc vận động này bằng cách gửi thư đến các chi nhánh của Sony ở Hoa Kỳ. Một số bạn trẻ đang vận động giới sinh viên tại các trường đại học cùng tham gia chiến dịch.

->Xem tiếp...

31 thg 7, 2009

Hướng dẫn công nhân khi công ty sử dụng lao động khó khăn về kinh tế

Những điều cần biết khi công ty - nơi bạn làm việc lâm vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Tình trạng suy thoái kinh tế và những hậu quả không phủ nhận của nó đến hầu hết mọi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Một nguy cơ nhận thấy rõ ràng là điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, đời sống của những công nhân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài. Đó là tình trạng công ty sử dụng lao động bị phá sản, công nhân bị sa thải và về nước trước hạn Hợp đồng… Luật pháp và các giải pháp bảo vệ kịp thời là những công cụ hết sức quan trọng công nhân cần biết. Bản hướng dẫn dưới đây được xây dựng nhằm giúp cho các bạn công nhân nắm bắt nội dung của những công cụ đó một cách hiệu quả để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

1. Cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lợi của người lao động là gì?

- Các quy định pháp luật của Việt Nam; của nước tiếp nhận và các thoả thuận song phương giữa 2 quốc gia; Luật Quốc tế là những cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động.

- Ngoài ra, thoả thuận giữa người lao động với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam; công ty sử dụng lao động ở nước tiếp nhận (gọi là Hợp đồng) cũng là một cơ sở pháp lý rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của công nhân.

+ Hợp đồng người lao động ký với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam gọi là Hợp đồng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty dịch vụ XKLĐ và người lao động từ thời gian người lao động bắt đầu thực hiện các thủ tục đi lao động; trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài và sau khi người lao động về nước (đúng hạn Hợp đồng hay trước hạn Hợp đồng).

+ Hợp đồng người lao động ký với công ty sử dụng lao động hoặc công ty môi giới của nước tiếp nhận gọi là Hợp đồng lao động – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty sử dụng lao động và người lao động trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài.

2. Trách nhiệm của Công ty dịch vụ XKLĐ Việt Nam đối với người lao động được thể hiện như thế nào?

- Trách nhiệm trước khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, giáo dục định hướng cho người lao động theo Chương trình của Bộ lao động thương binh xã hội;

+ Thu phí dịch vụ, phí môi giới và các chi phí hợp lý để làm các thủ tục cho người lao động ra nước ngoài. Không được thu phí tuyển chọn người lao động.

+ Ký Hợp đồng dịch vụ với người lao động trước 5 ngày xuất cảnh.

- Trách nhiệm trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài:

+ Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài;

+ Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

- Trách nhiệm khi người lao động về nước:

+ Người lao động về nước trước hạn vì lý do bất khả kháng (trường hợp công ty sử dụng lâm vào tình trạng phá sản cũng được coi là 1 lý do bất khả kháng): thanh lý Hợp đồng và giải quyết các quyền lợi cho người lao động theo luật Việt Nam (sẽ được trình bày cụ thể trong phần tiếp theo).

3. Những quyền lợi người lao động được hưởng nếu công ty sử dụng lao động lâm vào tình trạng phá sản?
a) Chuyển chỗ làm việc

- Đối với người lao động sang làm việc thông qua Công ty out-sourcing khi bị mất việc làm thì Công ty out-sourcing có trách nhiệm chuyển người lao động sang làm việc tại chỗ làm việc mới, trong thời gian chờ việc làm mới Công ty out-sourcing có trách nhiệm trả người lao động 500RM/tháng. Lao động này không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc.

- Đối với người lao động sang làm việc không thông qua Công ty out-sourcing thì khả năng chuyển chủ mới khó khăn hơn do thủ tục phức tạp. Trong trường hợp này, người lao động có thể được chuyển sang Công ty out-sourcing để tìm việc làm mới.

b) Về nước

Trường hợp người lao động không chuyển được sang chủ sử dụng mới thì phải về nước và được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay về nước, bồi thường 02 tuần lương cơ bản cho mỗi năm làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp thường đàm phán được với chủ sử dụng để người lao động thường được đền bù 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm làm việc. Do vậy, để người lao động được giải quyết với quyền lợi cao hơn, các doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác để giải quyết sao cho quyền lợi của người lao động được giải quyết hợp lý.

4. Trách nhiệm của Doanh nghiệp dịch vụ và Chính Phủ Việt Nam?

Doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ Việt Nam: trả tiền dịch vụ (tương đương với những tháng còn lại trong thời hạn Hợp đồng); tiền môi giới (đối với những trường hợp làm chưa đến 50% thời gian Hợp đồng); tiền ký quỹ. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, dẫn đến gây ra thiệt hại cho người lao động.

Chính sách của Chính phủ Việt Nam: hiện có Quỹ hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài; Quỹ bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là 2 loại quỹ hướng tới đối tượng là người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ như xoá nợ vay ngân hàng cho các đối tượng người lao động vùng miền núi, hộ nghèo…

5. Các công nhân cần làm gì khi công ty đang làm việc rơi vào khó khăn?

- Đoàn kết giữa các công nhân trong công ty phá sản là 1 điều kiện kiên quyết để bảo vệ quyền lợi cho mỗi công nhân.

- Giữ gìn và thu thập toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: thông báo đi làm việc ở nước ngoài của công ty dịch vụ XKLĐ; các hoá đơn, chứng từ về việc mình đã nộp tiền cho công ty dịch vụ XKLĐ; Hợp đồng tín dụng vay ngân hàng (nếu có); Hợp đồng dịch vụ XKLĐ ký với công ty dịch vụ XKLĐ; Hợp đồng lao động ký với công ty sử dụng lao động; bảng lương hàng tháng nhận được từ công ty (hoặc giấy trả lương).

- Liên lạc với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam để nhờ giúp đỡ; trong trường hợp không liên lạc bằng điện thoại được thì gửi thư, đơn kiến nghị về cho công ty dịch vụ XKLĐ (lưu ý cần soạn 2 bản và giữ lại 1 bản gốc).

- Liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam, Ban quản lý lao động ở nước sở tại để yêu cầu sự giúp đỡ (nên làm đơn kiến nghị tập thể và cũng giữ lại 1 bản gốc).

- Liên lạc với Tenaganita

Hotline: 012-4643497

04- 2294413

Address: 18 Jalan Westlands, 10400 Penang,Malaysia
.

->Xem tiếp...

24 thg 7, 2009

Châu Hưng- công ty môi giới "ma"

LTS: Công ty Cổ phần Thương mại Châu Hưng đã lường gạt một số lớn công nhân qua sự giả mạo hợp đồng, đã không can thiệp cho quyền và lợi ích của công nh ân khi họ bị bóc lột và đàn áp bởi chủ sử dụng lạo động, và đã tống tiền những công nhân được chủ sử dụng lao động bồi thường do sự can thiệp của quốc tế. Dưới đây là một vụ lường gạt điển hình của Công Ty Châu Hưng.

Năm 2007, Công Ty Châu Hưng ký hợp đồng tuyển lao động cho hãng may Esquel Malaysia tại Penang. Nơi đó có khoảng 1300 công nhân Việt Nam với số lượng lớn công nhân đi qua Châu hưng. Trong hợp đồng lao động Châu Hưng đưa ra số tiền lương giả mạo rất hấp dẫn - lương tối thiểu bảo đảm là RM 750, trong khi đó hợp đồng gốc tiếng Anh không có điều khoản bảo đảm này.
Chính vì được bảo đảm mức lương tối thiểu, nhiều công nhân đã sẵn sàng vay công mượn nợ, thế chấp tài sản để trả phí dịch vụ rất cao cho Châu Hưng để đăng ký đi lao động ở Malaysia. Tuy nhiên khi đến Malaysia thì thực tế hoàn toàn khác.
Sự việc xảy ra vào cuối năm 2007. Sau nhiều tháng nhân lương quá thấp, có những người chỉ được RM 20 cho một tháng làm việc vất vả, nhiều công nhân đã liên lạc Châu Hưng cầu cứu.Nhưng Châu Hưng nhiều khi không nghe điện thoại hoặc mắng qua điện thoại rằng công nhân lười làm việc nên lương thấp, công nhân phải chấp nhận, không phải lỗi của công ty, công ty không thể giúp.

Không được sự hỗ trợ từ phía Châu Hưng, anh chị em đã kêu gọi cùng nhau đứng dậy đấu tranh cho quyền lợi của mình.Một số công nhân đã bị hành hung bởi nhân viên bảo vệ an ninh của Esquel, một số bị bắt về nước vì công ty cho họ là người dẫn đầu cuộc đình công. Giữa đêm khuya trong khi họ đang mặc quần áo ngủ, họ bị cảnh sát đến gọi tên mình, cho mươi phút thu dọn quần áo và bị lôi đi. Không được báo trước, thậm chí có những người còn đang ngu ngơ không hiểu tại sao mình lại bị bắt thì bị cảnh sát đánh và lôi đi trong tình trạng một tay bị khoá vào vali kéo. Một hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhưng Châu Hưng đã phản ứng như thế nào?
Châu Hưng đã cử người sang Malaysia, nhưng không phải vì hỗ trợ công nhân, họ không xuống gặp để lắng nghe công nhân mặc dù dưới tư cách là người đại diện cho môi giới. Không biết kêu ai, công nhân vẫn cố gọi điện về cho Châu Hưng ở Việt nam, số điện thoại thường xuyên không liên lạc được, có khi công ty nhấc máy, không những không chỉ dẫn cho công nhân Châu Hưng còn đe dọa rằng công nhân đứng lên đình công, họ đã phạm luật và sẽ bị phạt, sẽ bị đuổi về nước.

Công nhân không được cho đi làm sau vụ đình công một thời gian dài, thêm nỗi sợ hãi không biết mình sẽ bị bắt về khi nào, thất vọng vì công ty môi giới, chán nản với công ty Esquel, phải chịu biết bao nhiêu bất công, bị lừa gạt cũng không biết kêu ai.
May mắn đã đến với họ, vào khoảng cuối tháng 12 năm 2007, Luật sư địa phương và các tổ chức quốc tế biết đến tình trạng của họ, điều tra về các việc làm sai trái và vô trách nhiệm của công ty Châu Hưng.Dưới sự nghiên cứu và điều tra của Luật sư, công ty Châu Hưng được xác định là công ty có quy mô lừa đảo công nhân lớn và có tổ chức
Từ việc thảo HĐ có tính chất hấp dẫn thu hút người nông dân lao động, công nhân được hứa hẹn sẽ được trả lương tối thiểu là RM 750/ tháng, ngoài ra còn có thể cao hơn với lương làm thêm. Họ cũng không được dự lớp hướng nghiệp một cách nghiêm chỉnh trước khi sang Malaysia làm việc. Khi công nhân ký HĐ, họ không cho công nhân có thời gian để đọc chọn vẹn, vội vàng ký để còn làm thủ tục lên máy bay.
Công nhân chân ướt chân ráo đi sang một nước lạ làm việc nhưng không có một người đại diện cho họ tại Malaysia để kêu giúp. Khi cuộc đình công xảy ra Công ty Châu Hưng không bảo vệ quyền lợi cho họ, thậm chí còn cáo buộc họ vi phạm luật Malaysia vì họ đã đình công cho quyền lợi của họ.

Khi hàng loạt công nhân bị bắt về nước không lí do, Châu Hưng cũng chối bỏ trách nhiệm một cách vô lý bằng biên pháp thanh lý HĐ dịch vụ nhanh chóng mà không có hành động giúp đỡ hay hỗ trợc công nhân đòi hỏi quyền lợi. Số tiền 1,5 triệu công nhân nhận được khi thanh lý HĐ so với số tiền họ phải đóng cho Châu Hưng (20 triệu) là quá ít ỏi.
Không dừng lại ở đó, khi nhận được sự giúp đỡ của Luật sư ở Malaysia và các tổ chức quốc tế, Esquel đã bồi thường cho những công nhân bị bắt về nước một khoản tiên; nhân dịp này Châu Hưng đã cố tình ép những người công nhân phải trả lại tiền thanh lý trước thì mới cho gặp đại diện Công ty Esquel để nhận tiền bồi thường.

Chiếu theo các Điều khoản Luật lao động trong nước và quốc tế, Châu Hưng đã bi phạm những điều luật sau:
Châu Hưng đã vi phạm hành chính vì mắc sai phạm các quy định liên quan đến mở và dạy các lớp học bồi dưỡng kiến thức cho công nhân trước khi xuất khẩu lao động, chiểu theo Quyết định 18/2007 về Chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động;

Vi phạm hành chính đối với Công ty Châu Hưng vì hành vi vi phạm thời gian ký kết Hợp đồng dịch vụ xuất khẩu lao động với công nhân, chiểu theo khoản 2.1 Mục VII Thông tư 22/2003/TT – BLĐTBXH.
Công ty Châu Hưng vì hành vi vi phạm: Không tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; Không kịp thời giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Do đó Châu Hưng cần bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc bồi thường thiệt hại cho người lao động và chịu mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra đối với một trong các hành vi vi phạm trên. (Khoản 2, 4 Điều 11 Nghị định 144/2007/NĐ - CP).

Trên cơ sở tất cả những sai phạm ấy, ngay cả tập thể công nhân đang làm việc tại Malaysia cũng rất bức xúc và muốn các cấp chính quyền phải điều tra, truy xét nghiêm ngặt công ty Châu Hưng, ngăn chặn việc làm lừa đảo của Châu Hưng với những người nông dân nghèo vô tội.

->Xem tiếp...

“Hai lúa” quậy ở nước ngoài



Những hành vi không đẹp của một số lao động Việt Nam ở nước ngoài như: bắt thú cấm, nấu cao khỉ, nhậu nhẹt, ẩu đả, gái gú... không chỉ làm cho họ bị mất dần thiện cảm mà còn sa vào vòng lao lý ở xứ người.
Lao động Việt Nam ở Malaysia làm thủ tục về nước

Trên 80% lao động VN đi làm việc ở nước ngoài là lao động nông thôn, trình độ thấp; không có ngoại ngữ, tay nghề. Từ một nông dân chân lấm tay bùn chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, phút chốc trở thành công nhân trong những nhà máy sản xuất hiện đại, một bộ phận không nhỏ lao động VN trượt dài sa ngã, vi phạm pháp luật...

Chuyến sang Malaysia của chúng tôi vào cuối tháng 6/2009. Thời điểm này, cơ quan chức năng VN tại Malaysia đang phải can thiệp để giúp 3 lao động bị bắt vì tội săn bắt động vật quý hiếm được nhẹ tội.

Vụ việc xảy ra vào đêm 18/4. Tối đó, 3 lao động VN vào khu bảo tồn động vật hoang dã và Công viên Quốc gia Malaysia bắt 6 con diệc (loài động vật hoang dã quý hiếm được xếp vào nhóm cấm săn bắt, giết thịt ở Malaysia). Ngoài ra, họ còn phá tổ lấy 327 trứng chim và giết chết một số chim khác.

Khi bị bắt, họ khai làm công nhân cho một nhà máy in gần đó và đã nhiều lần vào khu bảo tồn, công viên bắt chim để ăn thịt và đem đi bán. Họ bị người dân địa phương theo dõi và báo cảnh sát đến bắt quả tang.

Theo một cán bộ của Ban Quản lý Lao động VN tại Malaysia, những người này biết rõ việc săn bắt chim trong khu bảo tồn, giết chết chim, lấy trứng và phá tổ chim là vi phạm pháp luật, bị phạt tù, nhưng họ vẫn vi phạm và phải gánh chịu hậu quả. Bị đưa ra tòa trong những ngày tới, rất có thể mỗi người sẽ bị phạt 20.000 ringgit (khoảng 100 triệu đồng) và 6 năm tù giam.

Bà Choong Chui Yin, phụ trách nhân sự Winbond Management & Consultant, nói: “Việc lao động VN vào rừng săn bắt thú, thậm chí bắt chó chạy rông trong nhà máy giết thịt để nhậu diễn ra thường xuyên”.

Trên chuyến xe buýt từ Kuala Lumpur về Penang thăm một số nhà máy, chúng tôi trực tiếp nghe một lao động gọi điện cho cán bộ Ban Quản lý Lao động VN tại Malaysia để... gạ bán 4kg thịt hoẵng vừa mới săn được. Ngồi cùng xe, ông Vũ Đình Toàn, Trưởng Ban Quản lý Lao động VN tá hỏa, không ngờ họ bạo gan đến thế.

Ngoài bắt chim, bắt thú xẻ thịt bán, một số lao động VN còn có... biệt tài nấu cao khỉ. Bà P.T.K, Việt kiều Malaysia, Phó giám đốc một công ty môi giới lao động ở Penang, cho biết đã từng bị “mắng vốn” về chuyện lao động VN vào rừng, khu bảo tồn bắt khỉ nấu cao.

Luật pháp Malaysia nghiêm cấm người nước ngoài tổ chức nấu rượu và buôn bán rượu trái phép. Nhưng chỉ cần một cái thùng phuy, một ít gạo, bột nở và cồn là lao động VN có thể chế biến thành rượu và đem bán lại cho chính lao động của mình. Đã có 11 lao động của Công ty Coopimex bị cảnh sát bắt vì nấu và bán rượu lậu.

Tại một số ký túc xá mà chúng tôi đến thăm, bên cạnh những lao động rất nề nếp, nghiêm túc trong sinh hoạt, có rất nhiều người bê tha rượu chè. Anh N.V.T ở ký túc xá Nhà máy Uni Gloves, nói: “Ở đây chán lắm, không rượu chè mới là lạ. Thu nhập của tôi mỗi tháng trên 1.000 ringgit (khoảng 5 triệu đồng) nhưng hơn 1/3 là hùn hạp nhậu nhẹt cho vui”...

Tại ký túc xá này, chúng tôi hỏi bà Anisah Ahmad, nhân viên phụ trách nhân sự của Nhà máy Uni Gloves: “Lao động VN có ưu điểm nào lớn nhất”, bà nói ngay: “Họ rất thông minh, nhanh nhẹn, mau thích nghi với công việc”. Nhưng khi chúng tôi hỏi ngược lại: “Hạn chế của họ là gì?”, bà ngập ngừng: “Thường xuyên nhậu nhẹt, gái gú và đánh nhau”.

Ở Malaysia, chủ nhà máy phải có ký túc xá và phải bảo đảm an ninh cho lao động nước ngoài. Nội quy sinh hoạt rất nghiêm ngặt, nam, nữ ở từng khu riêng. Nhưng lâu lâu, một số lao động VN lại nhậu nhẹt, đánh nhau với lao động nước khác, thậm chí còn... gái gú tại phòng!

->Xem tiếp...

16 thg 7, 2009

CÔNG BẰNG ĐÃ ĐẾN VỚI ANH LÂM QUỐC THÁI



LTS: Mua bảo hiểm cho công nhân nước ngoài là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp tại Malaysia. Khi xảy ra tai nạn trong nhà máy, giới chủ phải làm thủ tục và báo cáo cho Cục Lao Động địa phương để đòi bồi thường. Thế nhưng, vẫn có nhiều công nhân khi bị tai nạn chủ sử dụng cũng không chịu làm thủ tục đòi bồi thường cho nạn nhân. Trường hợp của anh Thái là rất điển hình.

Nếu độc giả còn nhớ thì khoảng vài tháng qua chúng tôi đã viết bài về trường hợp tai nạn của anh Lâm Quốc Thái. Do sơ xuất kỹ thuật nên bình ga trong nhà máy nơi anh làm việc đã bị nổ, anh chạy không kịp nên trở thành nạn nhân của vụ nổ đó. Hậu quả là anh bị bỏng nặng toàn thân, phải nằm viện hơn 2 tuần. Ai cũng tưởng anh phải bỏ mạng nơi sứ Malaysia này.

Trong những tháng ngày anh nằm viện công ty không giải thích cho anh về vần đền đền bù tai nạn. Khi ra viện họ cho anh vài trăm Ringgít. Anh trông mong chờ đợi trong vô vọng cho đến khi anh được giới thiệu đến văn phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam để xin được sự giúp đỡ.

Qua nhiều lần trao đổi, đàm phán với chủ công ty nơi anh Thái làm việc về quyền của công nhân và trách nhiệm của giới chủ. Ban đầu ông không vui, tỏ ra rất bực bội và còn xét hỏi anh Thái về việc cho người ngoài can thiệp vào chuyện của công ty. Nhưng rồi chủ của anh đã nhận ra vấn đề và hợp tác với văn phòng. Ông hứa làm thủ tục theo luật của Malaysia để đòi bồi thường cho anh Lâm Quốc Thái.

Anh Thái đã nhận trọn số tiền 13000 Ringgit từ công ty bảo hiểm (tương đương với 3700 đô la Mỹ) sau hơn một năm chờ đợi.

Biết tin anh Thái nhận được tiền đền bù, bạn bè ai cũng mừng và cảm động. Riêng anh Thái gửi lời cảm ơn và biết ơn đến Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam. Anh nói “Em không biết nói gì ngoài lời cảm ơn và lòng biết ơn của em đối với các anh chị”. Một số người bạn của anh cũng cho biết “Chúng tôi mừng quá, thật là các anh chị đã mang lại công lý cho anh Thái”..

Nhiều tháng trôi qua anh đã dần bình phục, vẫn tiếp tục làm tại công ty đó nhưng toàn thân vẫn mang những vết sẹo có lẽ cả cuộc đời không thể tan.

->Xem tiếp...

 

cuoicuoi2008