31 thg 7, 2009

Hướng dẫn công nhân khi công ty sử dụng lao động khó khăn về kinh tế

Những điều cần biết khi công ty - nơi bạn làm việc lâm vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Tình trạng suy thoái kinh tế và những hậu quả không phủ nhận của nó đến hầu hết mọi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Một nguy cơ nhận thấy rõ ràng là điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, đời sống của những công nhân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài. Đó là tình trạng công ty sử dụng lao động bị phá sản, công nhân bị sa thải và về nước trước hạn Hợp đồng… Luật pháp và các giải pháp bảo vệ kịp thời là những công cụ hết sức quan trọng công nhân cần biết. Bản hướng dẫn dưới đây được xây dựng nhằm giúp cho các bạn công nhân nắm bắt nội dung của những công cụ đó một cách hiệu quả để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

1. Cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lợi của người lao động là gì?

- Các quy định pháp luật của Việt Nam; của nước tiếp nhận và các thoả thuận song phương giữa 2 quốc gia; Luật Quốc tế là những cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động.

- Ngoài ra, thoả thuận giữa người lao động với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam; công ty sử dụng lao động ở nước tiếp nhận (gọi là Hợp đồng) cũng là một cơ sở pháp lý rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của công nhân.

+ Hợp đồng người lao động ký với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam gọi là Hợp đồng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty dịch vụ XKLĐ và người lao động từ thời gian người lao động bắt đầu thực hiện các thủ tục đi lao động; trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài và sau khi người lao động về nước (đúng hạn Hợp đồng hay trước hạn Hợp đồng).

+ Hợp đồng người lao động ký với công ty sử dụng lao động hoặc công ty môi giới của nước tiếp nhận gọi là Hợp đồng lao động – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty sử dụng lao động và người lao động trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài.

2. Trách nhiệm của Công ty dịch vụ XKLĐ Việt Nam đối với người lao động được thể hiện như thế nào?

- Trách nhiệm trước khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, giáo dục định hướng cho người lao động theo Chương trình của Bộ lao động thương binh xã hội;

+ Thu phí dịch vụ, phí môi giới và các chi phí hợp lý để làm các thủ tục cho người lao động ra nước ngoài. Không được thu phí tuyển chọn người lao động.

+ Ký Hợp đồng dịch vụ với người lao động trước 5 ngày xuất cảnh.

- Trách nhiệm trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài:

+ Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài;

+ Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

- Trách nhiệm khi người lao động về nước:

+ Người lao động về nước trước hạn vì lý do bất khả kháng (trường hợp công ty sử dụng lâm vào tình trạng phá sản cũng được coi là 1 lý do bất khả kháng): thanh lý Hợp đồng và giải quyết các quyền lợi cho người lao động theo luật Việt Nam (sẽ được trình bày cụ thể trong phần tiếp theo).

3. Những quyền lợi người lao động được hưởng nếu công ty sử dụng lao động lâm vào tình trạng phá sản?
a) Chuyển chỗ làm việc

- Đối với người lao động sang làm việc thông qua Công ty out-sourcing khi bị mất việc làm thì Công ty out-sourcing có trách nhiệm chuyển người lao động sang làm việc tại chỗ làm việc mới, trong thời gian chờ việc làm mới Công ty out-sourcing có trách nhiệm trả người lao động 500RM/tháng. Lao động này không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc.

- Đối với người lao động sang làm việc không thông qua Công ty out-sourcing thì khả năng chuyển chủ mới khó khăn hơn do thủ tục phức tạp. Trong trường hợp này, người lao động có thể được chuyển sang Công ty out-sourcing để tìm việc làm mới.

b) Về nước

Trường hợp người lao động không chuyển được sang chủ sử dụng mới thì phải về nước và được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay về nước, bồi thường 02 tuần lương cơ bản cho mỗi năm làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp thường đàm phán được với chủ sử dụng để người lao động thường được đền bù 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm làm việc. Do vậy, để người lao động được giải quyết với quyền lợi cao hơn, các doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác để giải quyết sao cho quyền lợi của người lao động được giải quyết hợp lý.

4. Trách nhiệm của Doanh nghiệp dịch vụ và Chính Phủ Việt Nam?

Doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ Việt Nam: trả tiền dịch vụ (tương đương với những tháng còn lại trong thời hạn Hợp đồng); tiền môi giới (đối với những trường hợp làm chưa đến 50% thời gian Hợp đồng); tiền ký quỹ. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, dẫn đến gây ra thiệt hại cho người lao động.

Chính sách của Chính phủ Việt Nam: hiện có Quỹ hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài; Quỹ bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là 2 loại quỹ hướng tới đối tượng là người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ như xoá nợ vay ngân hàng cho các đối tượng người lao động vùng miền núi, hộ nghèo…

5. Các công nhân cần làm gì khi công ty đang làm việc rơi vào khó khăn?

- Đoàn kết giữa các công nhân trong công ty phá sản là 1 điều kiện kiên quyết để bảo vệ quyền lợi cho mỗi công nhân.

- Giữ gìn và thu thập toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: thông báo đi làm việc ở nước ngoài của công ty dịch vụ XKLĐ; các hoá đơn, chứng từ về việc mình đã nộp tiền cho công ty dịch vụ XKLĐ; Hợp đồng tín dụng vay ngân hàng (nếu có); Hợp đồng dịch vụ XKLĐ ký với công ty dịch vụ XKLĐ; Hợp đồng lao động ký với công ty sử dụng lao động; bảng lương hàng tháng nhận được từ công ty (hoặc giấy trả lương).

- Liên lạc với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam để nhờ giúp đỡ; trong trường hợp không liên lạc bằng điện thoại được thì gửi thư, đơn kiến nghị về cho công ty dịch vụ XKLĐ (lưu ý cần soạn 2 bản và giữ lại 1 bản gốc).

- Liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam, Ban quản lý lao động ở nước sở tại để yêu cầu sự giúp đỡ (nên làm đơn kiến nghị tập thể và cũng giữ lại 1 bản gốc).

- Liên lạc với Tenaganita

Hotline: 012-4643497

04- 2294413

Address: 18 Jalan Westlands, 10400 Penang,Malaysia
.

->Xem tiếp...

Các bài liên quan




0 Comments:

 

cuoicuoi2008