10 thg 7, 2009

Bảo đảm việc làm, an ninh cho NLĐ

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo NLĐ, Đại sứ VN tại Malaysia Hoàng Trọng Lập đã nhấn mạnh: Phải quyết liệt xử lý vi phạm, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “đem con bỏ chợ”...
Phóng viên: Đã có hàng chục ngàn lao động VN ở Malaysia không được gia hạn hợp đồng, mất việc làm phải về nước trong thời gian qua. Hiện nay, tình hình thế nào, thưa đại sứ?
- Đại sứ Hoàng Trọng Lập: Suy thoái kinh tế thế giới tác động rất lớn đến Malaysia. Bản thân Chính phủ Malaysia cũng bị áp lực từ việc lao động bản địa mất việc làm ở nước ngoài trở về nên phải đưa ra chính sách bảo hộ, ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động trong nước.
Vì vậy, lao động nước ngoài, trong đó có nhiều lao động VN phải chấm dứt hợp đồng. Hiện tình hình đã có dấu hiệu tích cực, các nhà máy, xí nghiệp đã cơ bản ổn định sản xuất. Tuy không ồ ạt như trước đây nhưng nhu cầu lao động ở Malaysia đang tăng lên. Đây là một cơ hội tốt để chúng ta “xốc” lại thị trường này.
PV. Nhưng bằng cách nào khi ngay trong nước, việc tuyển dụng lao động sang Malaysia vốn đã rất khó? Có lẽ những rủi ro phát sinh thời gian qua khiến người lao động (NLĐ) ngại chọn thị trường này...
- Thời gian qua, nhiều nhà máy ở Malaysia gặp khó khăn dẫn tới nhiều lao động mất việc phải về nước hoặc bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp... Giai đoạn hiện nay vẫn chưa hết khó khăn vì thế chúng ta phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải thay đổi cách làm.
Không thể tuyển ồ ạt như trước mà làm chặt chẽ; đào tạo thật tốt để tạo nguồn lao động có chất lượng; phải giúp NLĐ có ngoại ngữ để giao tiếp, hiểu phong tục tập quán của nước sở tại, đồng thời phải nâng cao nhận thức, am hiểu pháp luật cho NLĐ.
Ngoài ra, việc thẩm định tính ổn định về việc làm, an ninh cho NLĐ cũng rất quan trọng. Một khi quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ được bảo hộ thì mới tạo ra môi trường an toàn; tạo dựng lòng tin, sự quan tâm của lao động VN với thị trường này.
PV. Việc quản lý, bảo vệ NLĐ ở Malaysia được các doanh nghiệp (DN) thực hiện ra sao? Theo đại sứ, tình trạng “đem con bỏ chợ” mà báo chí trong nước từng phản ánh có được khắc phục?
- Vừa qua, cùng lúc với việc nhiều lao động về nước do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì các DN XKLĐ cũng đóng cửa văn phòng đại diện, rút cán bộ quản lý lao động về nước. Theo báo cáo của Ban Quản lý Lao động VN tại Malaysia, từ hơn 50 DN XKLĐ có mở văn phòng đại diện, hiện chỉ còn một vài DN duy trì văn phòng này.
Vì không có cán bộ của DN nên khi có vụ việc phát sinh, cơ quan quản lý nhà nước phải làm thay công việc của DN như giải quyết tranh chấp, khiếu nại; can thiệp, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Tôi còn nghe Ban Quản lý Lao động VN tại Malaysia báo cáo có DN không có chức năng vẫn cứ đưa lao động sang.
Bộ LĐ-TB-XH nên rà soát lại việc này; phải tăng cường giám sát, xét duyệt chặt chẽ; có chế tài, xử lý nghiêm khắc để DN thực hiện trách nhiệm của mình. Không thể chấp nhận tình trạng DN “đem con bỏ chợ”; đặc biệt khi có mâu thuẫn, tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ lại không can thiệp giải quyết được.
PV. Với những tồn tại như vậy, có lẽ việc chấn chỉnh, lành mạnh hóa thị trường XKLĐ trọng điểm này rất khó giải quyết?
- Tôi có một số đề nghị: Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh việc đưa lao động 61 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài và Malaysia là thị trường phù hợp để thực hiện chủ trương lớn này. Để hiện thực hóa chủ trương, phải làm bài bản từ khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho NLĐ... Các đơn hàng đưa lao động sang Malaysia phải được thẩm định kỹ càng, tính an toàn về việc làm, thu nhập và an ninh cho NLĐ phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, chỉ những DN có đủ năng lực, có đại diện quản lý lao động và thực hiện tốt việc quản lý lao động mới cho triển khai hợp đồng. Cuối cùng là phải xử lý nghiêm DN vi phạm. DN nào để xảy ra vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ thì không cho làm nữa.
(Theo Báo người lao động online)

->Xem tiếp...

Các bài liên quan




0 Comments:

 

cuoicuoi2008